Tại phiên họp Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo số hóa truyền hình vào ngày 30/9 do Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì, Cục Tần số Vô tuyến điện đã đề nghị Tiểu ban giúp việc xem xét trình Ban chỉ đạo thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất giai đoạn 2 dự kiến là 1/7/2017 và thay đổi lại địa bàn sẽ số hóa truyền hình.
Theo lộ trình của Đề án số hóa truyền hình, thời điểm tắt sóng truyền hình analog ở 26 tỉnh thuộc giai đoạn 2 là 31/12/2016. Lý do để Cục Tần số Vô tuyến điện đưa ra kiến nghị về việc dời thời điểm tắt sóng truyền hình là để việc chuẩn bị triển khai số hóa truyền hình giai đoạn 2 đỡ bị gấp rút về thời gian. Các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng có thêm thời gian mở rộng và nâng cấp vùng phủ sóng, còn Bộ TT&TT không bị động trong việc triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện, trong số 26 tỉnh, thành phố thuộc giai đoạn 2 có nhiều tỉnh, nhiều khu vực có chất lượng phủ sóng truyền hình số chưa đồng đều do khó khăn trong triển khai hạ tầng.
Cụ thể: Hiện tại VTVCab mới phủ sóng hầu hết địa bàn 13 tỉnh gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang.
Phủ sóng một phần lớn các khu vực đồng bằng của 7 tỉnh gồm Hải Dương, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Long An. Các khu vực còn lại có địa hình núi thấp hoặc núi cao, hoặc bị che chắn.
VTV hiện mới phủ sóng một phần nhỏ địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu. VTV chưa phủ sóng truyền hình số mặt đất tại hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.
Vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất của VTV mới phủ ở các địa bàn trung tâm tỉnh. VTV không có kế hoạch phủ sóng truyền hình số mặt đất cho các địa bàn có các trạm phát lại tại khu vực miền núi. VTV cũng chưa có kế hoạch đầu tư và triển khai các trạm phát sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực Nam Trung Bộ.
Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC chưa có kế hoạch cụ thể về việc phủ sóng truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2 tại các tỉnh thuộc nhóm 2.
Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) tại các tỉnh thuộc nhóm 2 mới chỉ phủ sóng một phần địa bàn các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Bắc Giang. Theo kế hoạch, RTB sẽ hoàn thành phủ sóng truyền hình số DVB-T2 cho các tỉnh còn lại thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) chưa triển khai phủ sóng tại các tỉnh Bình Thuận, một phần tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp. Trước ngày 31/12/2016, SDTV cũng sẽ hoàn thành phủ sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực đồng bằng Nam Bộ.
Vào tháng 7/2016, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có công văn gửi Bộ TT&TT đề nghị lùi thời hạn ngừng phát sóng truyền hình analog tại Ninh Thuận từ 31/12/2016 sang năm 2017 và 2018.
Chính từ thực tế này, trên cơ sở hiện trạng phủ sóng truyền hình số mặt đất do Cục Tần số Vô tuyến điện tính toán, Cục đã đề nghị xác định lại địa bàn số hóa truyền hình giai đoạn 2 sẽ thay đổi như sau:
Giai đoạn 2 sẽ thực hiện số hóa truyền hình tại 12 tỉnh có thuận lợi trong triển khai truyền hình mặt đất gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang. Số hóa truyền hình một phần các tỉnh đang được phủ sóng truyền hình analog mặt đất bằng các trạm phát chính tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Phúc.
Các địa bàn sẽ số hóa sau giai đoạn 2 (có thể là giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4) bao gồm: toàn bộ 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và các địa bàn đang phủ sóng truyền hình analog bằng các trạm phát lại tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Phúc.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, việc xác định địa bàn để số hóa truyền hình giai đoạn 2 có rất nhiều dấu hỏi, do đó Cục Tần số Vô tuyến điện đề xuất cắt hẳn 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và các huyện hiện đang sử dụng các trạm phát lại chuyển sang thực hiện số hóa truyền hình vào giai đoạn sau,
Tuy nhiên, ông Hoan cũng còn nhiều băn khoăn khi chỉ đề xuất ngừng phát sóng analog ở các trạm phát chính, tỉnh như vậy địa phương sẽ vẫn phải duy trì các trạm phát lại. Khi đó các địa phương vẫn phải chi phí truyền dẫn phát sóng analog, như vậy việc tính toán để trả kinh phí cho các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng số tại trạm phát chính thế nào. Việc duy trì phát song song analog sẽ tác động vừa ảnh hưởng tới xã hội và tốn kém kinh phí, kể cả về môi trường cũng bị tác động.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phải làm việc lại với 5 đơn vị truyền dẫn phát sóng để rà soát kỹ lại về vùng phủ sóng theo các mốc 31/12/2016, 31/3/2017, 1/7/2017 để xem đến thời điểm đó thì đảm bảo phủ sóng đến đâu, cùng với các cam kết của doanh nghiệp để báo cáo Ban chỉ đạo trong phiên họp tới đây.
Việc đảm bảo vùng phủ sóng nhóm 2 sẽ quyết định về duy trì thời hạn tắt sóng truyền hình analog vào 31/12/2016 hay lùi lại tới 1/7/2017. Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu các đơn vị cần đặt mục tiêu tắt sóng analog sớm nhất có thể tại các tỉnh đã được Cục Tần số Vô tuyến điện xác định.
“Giai đoạn 1 đã chậm lại 8 tháng, giai đoạn 2 rút được nhiều kinh nghiệm của giai đoạn 1 không có lý do gì để lùi lại hơn nữa. Hiện tại nhiều tỉnh thành thuộc giai đoạn 3 đã xin được số hóa truyền hình ngay từ giai đoạn 2. Do đó cần có đưa vào các mốc thời gian cắt sóng trung gian, kinh nghiệm mỗi lần tắt sóng mềm mức độ sẵn sàng của người dân cao hơn để tiết kiệm năng lực phủ sóng hiện có, những địa bàn nào đã sẵn sàng rồi tại sao phải lùi lại mà không tắt sóng sớm. Có thể dừng lại ở hai mốc là 31/3 và 1/7/2017”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Nguồn ICTNews