Phim đặt ra vấn đề: Liệu một người mẹ có thể yêu thương những đứa con mình như nhau? Hay người mẹ nào cũng có những “tiêu chuẩn” của riêng mình, và đứa con đáp ứng đủ những tiêu chuẩn ấy sẽ được yêu thương nhiều hơn? Con cái thường nhận sự yêu thương vô điều kiện từ cha mẹ và gia đình, nhưng nếu phải cần có đủ “điều kiện” mới được yêu thương thì khi ấy gia đình có còn là duy nhất với mỗi người?
Bên cạnh đó, phim cũng đề cập đến mối quan hệ cực kỳ tế nhị: mẹ vợ - chàng rể cùng hàng loạt vấn đề mà các gia đình thường gặp phải như: Khái niệm “chuột túi” (những đứa con luôn dựa dẫm vào bố mẹ, suốt đời không chịu lớn), mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu… Mỗi tình huống, chi tiết trong Gạo Nếp Gạo Tẻ đều là mảnh ghép đa sắc màu của bức tranh tổng thể về tình cảm gia đình.
Gạo Nếp Gạo Tẻ được Việt hóa từ kịch bản phim Wang’s Family - bộ phim truyền hình đề tài gia đình ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2013. Wang’s Family đạt kỉ lục chương trình có tỉ suất người xem cao nhất năm 2013 và 2014. Bên cạnh sự yêu mến của khán giả, Wang’s Family còn mang về rất nhiều danh hiêu danh giá tại Giải thưởng phim truyền hình KBS cùng năm.
Từ một kịch bản nước ngoài ăn khách, biên kịch đã chú trọng chuyển thể nội dung phim sao cho phù hợp nhất với khán giả truyền hình Việt, điều này có thể thấy rõ ngay từ cái tên rất đỗi bình dị nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc: Gạo Nếp Gạo Tẻ. Biên kịch và đạo diễn đã đặt nhiều tâm huyết trong khâu Việt hóa, đồng thời cũng được nhà sản xuất tạo điều kiện phát triển thêm nội dung từ kịch bản gốc, thêm cả các tuyến nhân vật mới, để mang đến hương vị mới mẻ cho bộ phim.
Biên kịch, đạo diễn Hoàng Anh cho biết: “Từ lời thoại, bối cảnh đến các tình tiết trong Gạo Nếp Gạo Tẻ đã được“gột sạch mùi Kim chi”, thay vào đó là phong vị của một bộ phim gia đình Việt. Khán giả xem phim sẽ thấy được ở gia đình bà Mai - ông Vương cái “chất” đặc trưng của một gia đình gốc Bắc, từ mâm cơm cúng giỗ ông bà, cảnh cả gia đình quây quần cùng nhau làm làm món bún đậu mắm tôm đến những bức tranh Đông Hồ được treo trong nhà… Bối cảnh của phim cũng được quay ở rất nhiều địa điểm, đặc biệt là những cảnh nhà cũ, nhà mới cuả ông Vương, xưởng gỗ của Kiệt được đầu tư thiết kế tinh tế, chỉn chu. Nhiều phân đoạn tâm trạng của diễn viên được khai thác trong bối cảnh đẹp đến nao lòng, kết hợp với âm nhạc tạo nên một câu chuyện giàu cảm xúc”.
Đạo diễn Thạch Thảo chia sẻ thêm: “Cùng với sự đầu tư trong thực hiện hình ảnh kết hợp chuyển tải cảm xúc của nhân vật thì nhạc phim cũng mang đến nét đặc sắc riêng cho Gạo Nếp Gạo Tẻ. Ngoài các bản nhạc phim được mua bản quyền từ phim gốc của Hàn, Gạo Nếp Gạo Tẻ còn có 3 ca khúc do nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ sáng tác riêng”.
Gạo Nếp Gạo Tẻ gửi gắm thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình. Trong cuộc chạy đua đi tìm hạnh phúc với khao khát tiền bạc, địa vị xã hội dễ làm con người sa ngã và quên đi giá trị tình thân gia đình. Như Hân, vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo túng mà đã mù quáng đẩy mái ấm nhỏ lâm vào cảnh đổ vỡ, gây ra đau khổ cho chồng con. Hay như Công đã bất chấp tình yêu và sự hy sinh của vợ để đổi lấy cơ hội giàu sang. Có những lúc vật chất đã đưa các nhân vật Hương, Kiệt, Minh… vào cảnh tuyệt vọng, bế tắc cùng cực. Nhưng họ vẫn vượt qua, bằng tình yêu thương và sự bao dung của các thành viên trong gia đình.
Gia đình luôn là giá trị cốt lõi của hạnh phúc và chỉ cần một chút toan tính ích kỷ, một bước đi sai cũng đủ phá vỡ hạnh phúc mà trước đó họ đã dày công vun đắp. Cuối cùng sau tất cả, dù bạn là ai thì cũng nên nhớ rằng: Gia đình là duy nhất, là nơi luôn mở rộng vòng tay chờ đón mỗi người quay về sau những biến cố thăng trầm trong cuộc sống.